Tình hình kinh tế Việt Nam Quý IV và toàn năm 2024:
CHÍNH SÁCH HỮU HIỆU – TĂNG TRƯỞNG VƯỢT MỤC TIÊU
GDP năm 2024 đạt mức tăng trưởng 7.09% (vượt mục tiêu 7%), sau những nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ từ đầu năm 2023, đồng thời lạm phát được kiểm soát tốt dưới ngưỡng giới hạn. Trong đó, quý 4 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 7.55% nhờ sự hồi phục của khu vực dịch vụ khi thị trường trong nước bước vào mùa mua sắm cuối năm cùng mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên nhìn chung cả năm, sản xuất công nghiệp mới là nhân tố then chốt giúp nền kinh tế tăng trưởng đều qua từng quý. Cụ thể:
- Sản xuất công nghiệp mặc dù tăng trưởng chậm lại trong quý 4 nhưng nhìn chung cả năm đã tăng 8.24%svck và ghi nhận sự cải thiện tích cực về tốc độ trong 3 quý đầu năm, khi nhu cầu quốc tế phục hồi tốt trở lại ( kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng 14.3% svck), đặc biệt trong giai đoạn tháng 7 đến tháng 9. Các nền kinh tế, khách hàng lớn của hoạt động xuất khẩu ( Hoa Kỳ, Trung Quốc và khối EU) đều đang cho thấy sự hồi phục về kinh tế và tiêu dùng tương đối tích cực trong năm.
- Điều này cũng thúc đẩy dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam (lượng vốn FDI giải ngân năm 2024 cao nhất từ trước đến nay) và cả các dòng vốn đầu tư từ khu vực dân cư và tư nhân, cho thấy niềm tin kinh doanh đã quay trở lại và theo đó sẽ tạo động lực cho các hoạt động sản xuất công nghiệp , các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và xuất nhập khẩu càng có tiềm lực để gia tăng mạnh mẽ trong năm 2025 cùng các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư của khu vực Nhà nước tuy chưa đạt tỷ lệ hoàn thành theo kế hoạch nhưng cũng đã gia tăng tốt về lượng vốn giải ngân (tăng 3.3% svck trên mức nền cao của năm 2023), đặc biệt lượng vốn giải ngân tại Bộ Giao thông vận tải đạt 93.1% so với mục tiêu, giúp phát triển tốt hệ thống hạ tầng đường bộ, đường thủy,… tăng cường năng lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên lãnh thổ.
- Nhờ một loạt các biện pháp hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, khu vực dịch vụ đã dần hồi phục và gia tăng tốc độ tăng trưởng qua từng quý, với điểm sáng là mức tăng 9.3% của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong quý 4, cho thấy các chính sách đã phát huy tương đối hiệu quả và sức mua của người dân theo đó đã dần quay trở lại.
- Ngoài ra, lạm phát trong năm 2024 cũng được kiểm soát tốt khi CPI cả năm chỉ ở mức 3.63%svck, thấp hơn ngưỡng giới hạn 4-4.5% Chính phủ đề ra từ đầu năm, bất chấp những tác động từ bên ngoài như áp lực tỷ giá và các đợt tăng giá lương thực, giá nhiên liệu của thế giới.
Chi tiết xin xem trong file đính kèm hoặc tại đây.
Lượt xem: 25