Làm thế nào để phát hiện bẫy gấu – bẫy giảm giá?
Các nhà đầu tư thường đặt cược “chống lại” xu hướng chung của thị trường thường được gọi là những người đầu cơ giá xuống. Chẳng hạn, họ luôn cố gắng để tìm những cổ phiếu giảm giá trong xu hướng tăng để kiếm lời. Và họ thường sẽ là những người dễ dàng rơi vào bẫy giảm giá nhiều nhất.
Tìm hiểu cách bẫy giảm giá hoạt động và phương pháp xác định được nó trong thị trường chứng khoán.
Định nghĩa bẫy giảm giá
Bear trap hay bẫy giảm giá xảy ra khi thị trường đang có xu hướng tăng giá, đột nhiên cổ phiếu, chỉ số hoặc công cụ tài chính có tín hiệu đảo ngược hướng và bắt đầu giảm. Trong trường hợp này, các nhà đầu tư theo chủ nghĩa đầu cơ thường sẽ bán để bảo tồn vốn và dẫn đến thua lỗ.
Ví dụ, bạn đã bán cổ phiếu XYZ ở giá 100 nghìn đồng vì giá có xu hướng giảm. Nếu XYZ giảm xuống còn 90 nghìn đồng, có nghĩa là bạn đã bảo toàn được vốn cá nhân và có thể đã chốt lời phù hợp. Tuy nhiên, ngay sau đó cổ phiếu tăng lại lên 110 nghìn đồng, mà bạn không kịp mua lại cổ phiếu ở giá 90 nghìn, tức là bạn đã lỗ 10 nghìn đồng.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư sử dụng giao dịch ký quỹ, bản chất giống đòn bẩy tài chính vay tiền công ty chứng khoán và phải trả lãi suất, để dễ dàng huy động nguồn vốn. Khi 1 cổ phiếu giảm sâu đến vị thế phải force sell (thanh lý bắt buộc), nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu đó và từng ký quỹ để mua sẽ buộc phải bán bù lỗ hoặc nộp thêm tiền vào. Đây cũng là cách để công ty chứng khoán quản trị rủi ro khi cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ.
Bear trap hoạt động như thế nào?
Các nhà đầu tư thường có suy nghĩ rằng thị trường sẽ không thể tăng mãi và đạt đến một mức giá nào đó sẽ phải giảm xuống để cân bằng. Đặc biệt những nhà đầu tư ngắn hạn thường có xu hướng chốt lời tại thời điểm họ cho rằng sau đó giá cổ phiếu sẽ giảm. Họ thường bán cổ phiếu đó với mong muốn sau đó sẽ có thể mua chúng với giá thấp hơn.
Lý do khác khiến giá cổ phiếu giảm là vì tin đồn về sự kiện liên quan đến ngành nghề, thông cáo báo chí của công ty, hay suy thoái kinh tế hoặc bất kỳ điều gì khác có thể tạo ra sự nghi ngờ và lo sợ thua lỗ. Kết quả là các nhà đầu tư bắt đầu bán ra khiến giá cổ phiếu giảm mạnh.
Xu hướng giả có thể kéo dài trong một số giai đoạn giao dịch. Nếu các nhà đầu tư nghi ngờ có sự đảo chiều, họ sẽ thực hiện các lệnh bán toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ. Khi nhiều người tham gia vào quá trình này, giá tiếp tục giảm cho đến khi chạm mức hỗ trợ mà sau đó nó sẽ phục hồi. Mức hỗ trợ được xác định bởi thị trường, thường được biểu thị bằng mức giá khi người mua bắt đầu đổ xô mua vào, làm tăng nhu cầu. Chính điều này giúp cổ phiếu có xu hướng tăng nhanh chóng và gây ra một cái bẫy cho những người giao dịch theo giá xuống.
Xác định bẫy giảm giá
Các nguyên tắc cơ bản rất quan trọng trong việc xác định bẫy gấu, ngay cả đối với những người theo trường phái giao dịch kỹ thuật. Bởi vì bẫy giảm giá là một tín hiệu sai về thị trường, điều duy nhất thay đổi là giá cổ phiếu. Chẳng hạn, nếu không có nguyên tắc cơ bản quan trọng nào, ví dụ dữ liệu kinh tế và tài chính của công ty không thay đổi so với lúc bạn đã mua cổ phiếu mà giá vẫn giảm, có lẽ bạn nên cân nhắc kỹ càng hơn trước khi bán ra.
Bạn cũng có thể dựa vào khối lượng giao dịch hàng ngày của cổ phiếu. Thông thường khi giá đảo chiều, nhà đầu tư sẽ mua bán rất nhiều khiến khối lượng giao dịch tăng bất thường. Nếu con số này vẫn không thay đổi, có lẽ đây chính là bẫy giảm giá. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo một số công cụ trong phân tích kỹ thuật như chỉ báo RSI, Fibonacci.
Đối với những nhà đầu tư dài hạn, không ưa thích “lướt sóng”, tốt nhất không nên tham gia giao dịch khi cổ phiếu đột ngột đảo chiều, đặc biệt trong trường hợp không có bất kỳ thông tin xấu từ nội tại công ty cũng như bên ngoài thị trường. Đồng thời, cần liên tục cập nhật thông tin, xem xét các yếu tố kỹ thuật để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.