Danh mục đầu tư 60/40 từ lâu đã được coi là kim chỉ nam đáng tin cậy cho nhà đầu tư có mức độ rủi ro vừa phải.
Thị trường chứng khoán là một cách tuyệt vời để tạo ra sự giàu có. Tuy nhiên, đôi khi nó có thể khá biến động. Các nhà đầu tư thiếu thời gian hoặc khả năng chấp nhận rủi ro để chịu đựng những biến động như vậy có xu hướng tìm kiếm các chiến lược an toàn hơn. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các chiến lược như danh mục đầu tư 60/40.
Thay vì đầu tư phần lớn danh mục vào cổ phiếu, bạn bổ sung thêm một khoản phân bổ trái phiếu. Khi làm như vậy, bạn tăng thêm sự ổn định trong khi danh mục đầu tư vẫn phát triển theo thời gian. Mặc dù cách tiếp cận này có những ưu và nhược điểm, nó có thể mang lại hiệu quả tốt cho nhà đầu tư phù hợp.
Danh mục đầu tư 60/40 là gì?
Danh mục đầu tư 60/40 nói chung là 60% phân bổ cho cổ phiếu và 40% cho trái phiếu. Điều này giúp danh mục của bạn đạt được đồng thời 2 điều. Đó là tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu kết hợp với trái phiếu. Bên cạnh đó, danh mục đầu tư được giữ ở mức ổn định, có xu hướng ít biến động hơn.
Nói cách khác, việc bổ sung phân bổ trái phiếu với phần trăm lớn hơn có thể làm giảm một số rủi ro của danh mục đầu tư bằng vốn chủ sở hữu. Điều này có nghĩa là danh mục đầu tư 60/40 có thể linh hoạt hơn khi thị trường chứng khoán sụt giảm.
Việc phân bổ trái phiếu của danh mục 60/40 cũng mang lại cho nhà đầu tư thu nhập cố định. Trái phiếu là một dạng nợ và nhà đầu tư được trả lãi định kỳ. Cổ phiếu cũng có thể trả lãi dưới dạng cổ tức, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy.
Ưu và nhược điểm của danh mục đầu tư 60/40
Giống như tất cả các chiến lược, danh mục đầu tư 60/40 có những ưu và nhược điểm. Dựa vào những đặc điểm này, bạn có thể quyết định xem liệu nó có phù hợp với bản thân không.
Ưu điểm:
- Đa dạng hóa: Danh mục này cung cấp cho các nhà đầu tư một chiến lược giúp bạn dễ dàng đa dạng hóa giữa cổ phiếu và trái phiếu. Điều này có thể giúp giảm thiểu rủi ro vì cổ phiếu và trái phiếu thường hoạt động và phản ứng với thị trường khác nhau.
- Lợi nhuận cân bằng: Cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng cao. Trong khi đó, trái phiếu mang lại sự ổn định về thu nhập. Kết hợp cả hai có thể mang lại lợi nhuận hợp lý đồng thời giảm sự biến động trong danh mục.
- Tính đơn giản: Danh mục này là một chiến lược đơn giản hầu hết các nhà đầu tư đều dễ dàng thực hiện.
- Hiệu suất lịch sử: Danh mục đầu tư 60/40 trong lịch sử của thị trường chứng khoán có lợi nhuận vững chắc và giúp hạn chế rủi ro.
Nhược điểm
- Có thể hy sinh lợi nhuận: Danh mục đầu tư 60/40 thường sẽ hoạt động tốt hơn khi thị trường chứng khoán đi xuống bởi vì nó giúp giảm được rủi ro. Tuy nhiên, cổ phiếu có xu hướng mang lại lợi nhuận dài hạn tốt hơn trái phiếu. Điều này có nghĩa là danh mục này có thể phải “hy sinh” một số lợi nhuận vì mục đích ổn định.
- Rủi ro lãi suất: Giá trái phiếu giảm khi lãi suất tăng. Những điều kiện này có thể ảnh hưởng đến giá trị phần trái phiếu trong danh mục 60/40.
- Động lực thị trường đang thay đổi: Một số chuyên gia tin rằng danh mục đầu tư 60/40 truyền thống có thể không hoạt động tốt trong tương lai. Điều này là do lãi suất thấp và khả năng thu được lợi nhuận thấp hơn từ cả cổ phiếu và trái phiếu.
Ai nên sử dụng danh mục đầu tư này?
Nói chung, danh mục đầu tư 60/40 phù hợp nhất với những người có mức độ chấp nhận rủi ro tương đối thấp, các nhà đầu tư chuẩn bị cho hưu trí. Ví dụ, các nhà đầu tư trung niên không có khả năng và thời gian để phục hồi sau thị trường đi xuống có thể hưởng lợi từ danh mục đầu tư 60/40.
Ngoài ra, những người có mức độ chấp nhận rủi ro vừa phải có thể thích danh mục này. Điều này là do sự cân bằng giữa cổ phiếu và trái phiếu có thể mang lại lợi nhuận hợp lý. Đồng thời, nó cung cấp một số biện pháp bảo vệ khỏi sự biến động của thị trường chứng khoán.
Cuối cùng, những người muốn sự đơn giản có thể thích danh mục này. Nó rất dễ dàng thực hiện và quản lý. Đặc biệt, những nhà đầu tư mới cũng có thể “bám” theo một chiến lược đã được chứng minh trong lịch sử. Họ thường là những người bối rối nhất trên thị trường chứng khoán và chưa có nhiều kinh nghiệm. Danh mục này có thể là cách tiếp cận thực tế, phù hợp.
Lưu ý khi sử dụng danh mục đầu tư 60/40
Sự kết hợp 60/40 giữa cổ phiếu và trái phiếu đã mang lại lợi nhuận vượt trội ở một số thị trường nhưng cũng có một số hạn chế. Có một số lý do khiến cơ chế kết hợp 60/40 từng có hiệu quả trong thời gian qua, nhưng bây giờ lại hoạt động kém hiệu quả hơn. Nó bao gồm định giá vốn cổ phần cao, các chính sách tiền tệ chưa từng được sử dụng trước đây, rủi ro gia tăng trong quỹ trái phiếu, và giá thấp trên thị trường hàng hóa. Một yếu tố khác là sự bùng nổ của công nghệ số đã tác động đáng kể đến sự tăng trưởng và hoạt động của các ngành và nền kinh tế.
Sự hỗn loạn trên thị trường trong thời gian qua đã khiến ngày càng nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia tài chính đề xuất phân bổ tài sản rộng rãi hơn để đạt được tăng trưởng dài hạn với mức độ rủi ro hợp lý. Một số chuyên gia hiện đang nói rằng danh mục đầu tư được đa dạng hóa tốt phải bao gồm nhiều loại tài sản hơn là chỉ có cổ phiếu và trái phiếu.