Dưới đây là cách cân bằng lại danh mục đầu tư để giúp quản lý rủi ro và đạt được mục tiêu đầu tư của bạn trong năm 2024.
Giống như xây một ngôi nhà, cân bằng lại danh mục đầu tư nên được bắt đầu bằng cách tạo ra nền tảng vững chắc. Đầu tiên, xác định mục tiêu tài chính, dòng thời gian và mức độ chấp nhận rủi ro của bạn. Từ đánh giá này, hãy vạch ra sự kết hợp của các tài sản tài chính như quỹ ETF, cổ phiếu và trái phiếu.
Thông thường, bạn sẽ sở hữu tỷ lệ tài sản cổ phiếu lớn hơn khi còn trẻ. Trong khi đó, những nhà đầu tư thận trọng hơn sẽ nghiêng về việc phân bổ nhiều tiền mặt và đầu tư trái phiếu.
Cách cân bằng lại danh mục đầu tư
Mục tiêu trong việc tái cân bằng danh mục đầu tư không phải tìm kiếm sự hoàn hảo. Theo thời gian, tỷ lệ phần trăm từng khoản đầu tư trong danh mục sẽ thay đổi, giá trị tài sản xê lệch. Cân bằng lại danh mục đầu tư ít nhất mỗi năm một lần và xem xét các yếu tố sau:
- Danh mục đã lệch bao nhiêu so với phân bổ tài sản ban đầu?
- Tôi vẫn cảm thấy thoải mái với việc phân bổ tài sản hiện tại của mình hay tình hình đã thay đổi cần sửa đổi tổ hợp tài sản?
- Mục tiêu hoặc mức độ chấp nhận rủi ro có thay đổi không?
Các chiến lược cân bằng danh mục đầu tư
- Chọn phạm vi phần trăm để tái cân bằng. Chẳng hạn một loại tài sản đã chênh lệch 5% so với tỷ lệ ban đầu, đó là thời điểm bạn có thể suy nghĩ về việc cân bằng danh mục. Tất cả phụ thuộc vào khả năng chịu đựng của nhà đầu tư và thời gian họ giữ cho danh mục đầu tư tuân thủ mức phân bổ.
- Đặt thời gian để cân bằng lại: Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng mỗi năm một lần là đủ. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư thích tái cân bằng hàng quý hoặc 2 lần mỗi năm. Không có chiến lược đúng hay sai. Việc tái cân bằng ít thường xuyên hơn sẽ có khả năng dẫn đến phân bổ cổ phiếu lớn hơn và lợi nhuận tổng thể cao hơn, cùng với sự biến động lớn hơn.
- “Bỏ” thêm nguồn vốn mới vào loại tài sản được đánh giá thấp để đưa danh mục đầu tư trở lại phân bổ ban đầu.
- Bán một số cổ phiếu đã tăng để giảm trọng lượng của tài sản “thừa cân”.
Các bước cần thiết để cân bằng lại danh mục đầu tư
Đầu tiên, theo dõi việc phân bổ tài sản trong danh mục đầu tư của bạn.
Bước 1: Phân tích
So sánh trọng số phần trăm hiện tại của từng loại tài sản với việc phân bổ tài sản được xác định trước của bạn. Bạn có thể sử dụng các công cụ miễn phí trên mạng hoặc bảng tính để so sánh giá trị tài sản hiện tại với tỷ lệ phần trăm mong muốn.
Bước 2: So sánh
Lưu ý sự khác biệt giữa phân bổ tài sản thực tế và ưu tiên của bạn. Nếu danh mục đầu tư 80% cổ phiếu, 20% trái phiếu của bạn đã chuyển sang 85% cổ phiếu và 15% trái phiếu, đã đến lúc phải cân bằng lại. Bạn có thể thực hiện bằng cách thêm tiền mới hoặc bán cổ phiếu và mua trái phiếu.
Bước 3: Bán
Để bán 5% tài sản cổ phiếu của bạn, bạn sẽ thực hiện một phép tính đơn giản. Giả sử danh mục đầu tư của bạn trị giá 100 triệu đồng và mức phân bổ mong muốn là 80 triệu cho cổ phiếu và 20 triệu cho trái phiếu. Chẳng hạn, tổng giá trị danh mục vẫn 100 triệu nhưng cổ phiếu tăng lên 85 triệu còn trái phiếu là 15 triệu đồng. Bạn có thể bán 5 triệu giá trị cổ phiếu.
Bước 4: Mua
Với số tiền thu được từ việc bán cổ phiếu, bạn mua trái phiếu. Điều này sẽ đưa danh mục đầu tư của bạn trở lại hỗn hợp 80% cổ phiếu, 20% trái phiếu ưa thích.
Bước 5: Thêm tiền
Giả sử bạn muốn thêm 10 triệu đồng vào danh mục đầu tư. Giá trị danh mục đầu tư của bạn sẽ là 110.000 USD với hỗn hợp tài sản mong muốn là 88 triệu vào cổ phiếu và 22 triệu trái phiếu.
Bước 6: Đầu tư tiền mặt
Để cân bằng lại danh mục đầu tư sau khi bổ sung thêm tiền mặt, hãy tính chênh lệch giữa giá trị hiện tại và giá trị ưu tiên cho từng loại tài sản. Sử dụng ví dụ trước đây, chúng ta có 85 triệu cổ phiếu nên chúng ta mua 3 triệu cổ phiếu để đạt được mức phân bổ cổ phiếu trị giá 88 triệu như mong muốn. Tương tự, chúng ta mua loại tài sản trái phiếu trị giá 7 triệu để đạt được mức trái phiếu mong muốn là 22 triệu.
Ưu và nhược điểm của việc tái cân bằng danh mục đầu tư
Quản lý đầu tư, bao gồm tái cân bằng, đòi hỏi phải có sự cam kết. Bạn sẽ cần phân tích các khoản đầu tư của mình để đảm bảo rằng chúng vẫn đáp ứng được mục tiêu. Định kỳ, bạn sẽ xem xét việc phân bổ tài sản. Sau đó, quyết định xem bạn có cảm thấy thoải mái đi cùng với những danh mục này qua những những thăng trầm của thị trường tài chính hay không.
Bạn có thể chọn tăng phân bổ cổ phiếu nếu cảm thấy thoải mái với rủi ro lớn hơn hoặc tăng phần tiền mặt và trái phiếu nếu bạn sắp nghỉ hưu.
Ưu điểm
- Giảm thiểu biến động và rủi ro của danh mục đầu tư
- Cải thiện sự đa dạng hóa của danh mục
- Cân bằng danh mục đầu tư theo kế giúp bạn vững tin hơn trước những đợt sụt giảm của thị trường
Nhược điểm
- Cần những nghiên cứu và kiến thức cơ bản về tài chính để cân bằng danh mục đầu tư
- “Bỏ lơ” những dấu hiệu hoạt động kém của một tài sản nào đó
Lời khuyên bổ sung để cân bằng lại danh mục đầu tư của bạn
Tái cân bằng là một phần của gói lựa chọn và quản lý đầu tư. Dưới đây là các mẹo bổ sung để hỗ trợ tái cân bằng thành công:
- Tránh kiểm tra giá trị đầu tư của bạn quá thường xuyên (hàng ngày hoặc hàng tuần). Điều này có thể dẫn đến cảm giác rằng bạn cần phải hành động, điều này thường dẫn đến giao dịch quá mức và lợi nhuận đầu tư thấp hơn.
- Lập nguyên tắc đầu tư ngay từ đầu, bao gồm phân bổ tài sản và các thông số tái cân bằng của bạn. Hãy bám sát kế hoạch định trước của bạn.
- Duy trì sự tập trung lâu dài. Bạn rất dễ bị phân tâm bởi những chuyển động thường xuyên trong các khoản đầu tư. Tuy nhiên, việc hành động theo những thay đổi đó có thể làm mất đi mục tiêu dài hạn của bạn.
Hãy nhớ rằng đầu tư là một cách để biến thu nhập ngày hôm nay thành sự đảm bảo tài chính trong tương lai. Đầu tư và tái cân bằng được thiết kế để tăng lợi nhuận của bạn trong thời gian dài, chẳng hạn như năm năm trở lên.
Tạm kết
Việc tái cân bằng sẽ kiểm soát việc phân bổ tài sản ưa thích của bạn và giúp giảm bớt sự biến động trong danh mục đầu tư của bạn. Khi giá cổ phiếu tăng vọt, việc cân bằng lại danh mục đầu tư giúp bạn kiểm soát rủi ro tốt hơn. Khi giá thấp hơn và loại tài sản giảm giá trị, bạn sẽ mua ở mức thấp hơn. Cuối cùng, cách tốt nhất để tái cân bằng là chiến lược phù hợp với bạn. Việc tái cân bằng ít thường xuyên hơn sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và có thể cho phép tài sản sinh lời của bạn tăng trưởng lâu hơn một chút.