Hệ thống KRX: Tất tần tật về hợp đồng quyền chọn

Hợp đồng quyền chọn mang lại cơ hội mua hoặc bán một tài sản ở mức giá định trước vào một ngày cụ thể trong tương lai. 

Khi tham gia thị trường chứng khoán, bạn biết rằng giá có thể dao động trước khi bạn sẵn sàng thực hiện giao dịch. Nhưng có một cách để đảm bảo mức giá hiện tại cho giao dịch mua trong tương lai – bằng cách sử dụng hợp đồng quyền chọn.

Vậy hợp đồng quyền chọn là gì và nó hoạt động như thế nào?

Giải nghĩa khái niệm

Hợp đồng quyền chọn là 1 thỏa thuận giữa hai bên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho một giao dịch tiềm năng liên quan đến một tài sản trong tương lai. Ngày và mức giá thực hiện đã được xác định từ trước. Quyền chọn là một loại chứng khoán phái sinh. Các hàng hóa của hợp đồng quyền chọn có thể kể đến cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, các chỉ số tài chính,…

Hợp đồng quyền chọn không phải là nghĩa vụ mua hoặc bán chứng khoán cơ bản. Đồng thời giao dịch cũng có thể thực hiện trước thời hạn hết hợp đồng. Chẳng hạn, ngày 01/03/2023, X mua từ Y hợp đồng quyền chọn trị giá 1.000 cổ phiếu A với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, thời hạn 6 tháng. 

Thời điểm đáo hạn sẽ là 01/09/2023, X có thể lựa chọn mua cổ phiếu với giá 30.000 đồng hoặc không. Trong trường hợp này, nếu cổ phiếu A đã tăng quá 30.000 đồng, X sẽ thực hiện quyền mua và Y bắt buộc phải bán. Còn nếu ngược lại, X có quyền không mua cổ phiếu A và mất một khoản phí. 

Quyền chọn thường được sử dụng cho mục đích phòng ngừa rủi ro nhưng cũng có thể giúp đầu cơ. Sử dụng quyền chọn là 1 hình thức đòn bẩy, cho phép nhà đầu tư đặt cược vào cổ phiếu mà không cần phải mua hoặc bán cổ phiếu hoàn toàn. Để đổi lấy đặc quyền này, người mua quyền chọn phải trả một khoản phí bảo hiểm cho bên bán. 

Hệ thống KRX: Tất tần tật về hợp đồng quyền chọn

Các loại hợp đồng quyền chọn

Có 2 loại hợp đồng quyền chọn: quyền chọn bán và quyền chọn mua. Cả 2 đều có thể được mua để đầu cơ hoặc phòng ngừa rủi ro. Chúng cũng có thể được bán để tạo thu nhập.

1. Hợp đồng quyền chọn mua 

Quyền chọn mua là hợp đồng tài chính cung cấp cho người mua quyền – nhưng không phải nghĩa vụ – mua cổ phiếu, trái phiếu,… ở 1 mức giá xác định khoảng thời gian cụ thể. Người bán quyền chọn mua phải bán tài sản nếu người mua thực hiện quyền. Người mua quyền chọn mua sẽ thu được lợi nhuận khi tài sản cơ bản tăng giá. Người bán thu được lợi nhuận từ phí bảo hiểm nếu giá giảm xuống dưới giá thực hiện khi hết hạn, lúc đó người mua thường không thực hiện quyền chọn.

Giả sử cổ phiếu của 1 công ty hiện có giá 50.000 đồng/cổ phiếu. Bạn có thể mua quyền chọn mua để sở hữu 100 cổ phiếu ở mức 50.000 đồng (giá thực hiện). Hợp đồng có hạn 6 tháng, với mức phí bảo hiểm là 5.000 nghìn đồng/cổ phiếu. Phí bảo hiểm được đánh giá trên mỗi cổ phiếu, vì vậy quyền chọn mua này sẽ có giá 500.000 đồng. Lưu ý rằng khi mua quyền chọn, giá này không nhất thiết phải giống với giá cổ phiếu hiện tại.

Nếu giá cổ phiếu vẫn bằng hoặc giảm xuống dưới 50.000 đồng trong thời gian 6 tháng và không bao giờ phục hồi, bạn có thể để hợp đồng hết hạn và không thực hiện quyền. Trong trường hợp này, tổng thiệt hại của bạn là 500.000 đồng cho phí bảo hiểm.

Bây giờ giả sử giá tăng lên 60.000 đồng. Bạn có thể thực hiện quyền chọn mua 100 cổ phiếu ở mức giá thực hiện là 50.000 đồng, sau đó bán chúng với giá 60.000 đồng. Trong trường hợp này, lợi tức đầu tư của bạn sẽ là 500.000 đồng, sau khi trừ chi phí bảo hiểm. 

Bạn có thể bán hợp đồng cho nhà đầu tư khác trước khi hết hạn với giá cao hơn số tiền bạn đã mua và thu được lợi nhuận. Bạn sẽ phải xem xét một số yếu tố để xác định xem bạn nên bán hợp đồng quyền chọn hay thực hiện hợp đồng đó.

2. Hợp đồng quyền chọn bán 

Quyền chọn bán là một hợp đồng trao cho người mua quyền chọn bán, nhưng không có nghĩa vụ bán – hoặc bán khống – một lượng chứng khoán cơ bản nhất định ở một mức giá định trước trong một khung thời gian xác định. Quyền chọn bán trở nên có giá trị hơn khi giá cổ phiếu hoặc chứng khoán cơ sở giảm. Ngược lại, quyền chọn bán sẽ mất giá trị khi giá cổ phiếu cơ sở tăng lên.

Sử dụng ví dụ tương tự ở trên, nếu giá cổ phiếu giảm xuống còn 40.000 đồng, bạn có thể thực hiện quyền bán cổ phiếu ở mức giá thực hiện là 50.000 đồng. Trong trường hợp này, bạn sẽ không kiếm được bất kỳ lợi nhuận nào nhưng bạn sẽ bảo vệ cổ phiếu của mình khỏi bị mất giá trị. Nếu giá tăng, hợp đồng hết hạn và bạn sẽ mất tối đa 500.000 đồng. 

Quyền chọn bán có thể được coi là bảo hiểm cho cổ phiếu. Nếu giá cổ phiếu giảm, bạn bán ở mức giá thực hiện cao hơn. Nếu giá tăng, bạn có thể không thực hiện quyền và chỉ phải trả mức phí bảo hiểm.

Hệ thống KRX: Tất tần tật về hợp đồng quyền chọn

Rủi ro so với lợi nhuận trong giao dịch quyền chọn

1. Hợp đồng quyền chọn mua

Nếu bạn nghĩ rằng một cổ phiếu sẽ tăng giá, bạn có thể mua và sở hữu hoàn toàn cổ phiếu đó hoặc mua quyền chọn mua. Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa hai điều này.

Trong ví dụ trên, hãy lưu ý rằng chi phí là 500.000 đồng để nắm quyền kiểm soát 100 cổ phiếu trị giá 50.000 đồng/cổ phiếu. Nếu bạn mua cổ phiếu với cùng khoản đầu tư 500.000 đồng, bạn sẽ chỉ sở hữu 10 cổ phiếu. Đó là lý do tại sao quyền chọn được coi là một dạng đòn bẩy.

Từ ví dụ trên, chúng ta biết rằng nếu giá cổ phiếu tăng lên 60.000 đồng, lợi nhuận là 500.000 đồng. Nhưng nếu nó tăng lên 70.000 đồng, lợi nhuận của bạn sẽ tăng lên 1.500.000 đồng. Mức giá tăng lên 80.000 đồng dẫn đến lợi nhuận là 2.500.000 đồng. Nếu bạn mua ngay cổ phiếu đó, mức tăng giá 60% đó sẽ mang lại cho bạn khoản tiền lãi tương đối ít ỏi là 300.000 đồng. 

Nhưng ở đâu có cơ hội kiếm được lợi nhuận cao, ở đó có rủi ro lớn. Nếu bạn đã đầu tư hoàn toàn 500.000 đồng vào cổ phiếu, giá giảm nhẹ không có ý nghĩa gì nhiều. Tuy nhiên, chi 500.000 đồng cho hợp đồng quyền chọn mua có nghĩa là hợp đồng trở nên vô giá trị nếu giá cổ phiếu giảm xuống dưới giá thực hiện và bạn không có thời gian để chờ cổ phiếu tăng trở lại. Bạn sẽ lỗ 500.000 đồng phí bảo hiểm hoặc 100% khoản đầu tư của mình.

2. Hợp đồng quyền chọn bán

Khi mua quyền chọn bán, số tiền tối đa bạn có thể mất cũng tương tự như quyền chọn mua. Nếu giá cổ phiếu tăng cao hơn giá thực hiện, bạn sẽ để hợp đồng hết hạn và mất toàn bộ khoản đầu tư 500.000 đồng của mình. 

Tuy nhiên, mức độ tăng lợi nhuận chúng ta thấy trong quyền chọn mua lại đi theo hướng khác trong quyền chọn bán. Nếu giá cổ phiếu giảm xuống còn 30.000 đồng, bạn sẽ thấy lợi nhuận là 1.500.000 đồng. Ở mức 20.000 đồng, lợi nhuận sẽ là 2.500.000 đồng. Nhưng điều này cũng có nghĩa là có giới hạn về lợi nhuận đối với quyền chọn bán – cổ phiếu không thể xuống thấp hơn 0. Ngược lại, khi mua một quyền chọn mua, tiềm năng lợi nhuận về mặt lý thuyết là vô hạn.

*Tài liệu tham khảo dựa trên dự kiến hệ thống KRX sắp ra mắt, ASEANSC không đảm bảo sự chính xác và đầy đủ của các nguồn thông tin này. Nhà đầu tư nên xem tài liệu này như một nguồn tham khảo và chủ động cập nhật thông tin thêm khi hệ thống ra mắt.

Chia sẻ

Tag

Chần chờ gi nữa ,
mở tài khoản eKYC ngay!

Bạn thích chứng khoán?
Mở tài khoản tại ASEAN Securities ngay hôm nay!