Đầu tư theo cảm xúc là một trong những chiếc bẫy dễ dàng khiến bạn thua lỗ nặng nề.
Nếu bạn để nỗi sợ hãi, hoặc tệ hơn là lòng tham, thúc đẩy các lựa chọn đầu tư của mình, bạn rất dễ rơi vào cảnh thua lỗ. Đây là những điều bạn cần biết về đầu tư theo cảm xúc và lý do tại sao tốt nhất nên tránh bị mắc kẹt trong vòng quay tài chính này.
Đầu tư cảm xúc là gì?
Khi thị trường đi lên, bạn mua nhiều hơn vì mong muốn kiếm được nhiều hơn. Khi thị trường xuống thấp, bạn bán ra vì sợ hãi. Chu kỳ cảm xúc thị trường ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của bạn được gọi là đầu tư cảm xúc.
Đầu tư theo cảm xúc có thể được giải thích bằng “bản năng bầy đàn”. Nói một cách đơn giản, đó là hiệu ứng FOMO hay nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội. Ví dụ, bạn nghe chuyên gia tài chính đề cập rằng cổ phiếu của công ty X đang tăng giá. Sau đó, bạn cảm thấy cần phải mua cổ phiếu đó vì cho rằng rất nhiều người khác sẽ làm như vậy. Tất nhiên bạn sẽ không muốn bỏ lỡ cơ hội mang lại lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, đưa ra quyết định giao dịch dựa trên nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội có thể gây bất lợi nếu nó không phù hợp với mục tiêu đầu tư dài hạn của bạn.
Một cảm xúc khác cũng ảnh hưởng đến chiến lược giao dịch của bạn là nỗi lo mất tiền. Cổ phiếu của bạn có thể giảm giá. Tuy nhiên, thay vì theo dõi xu hướng và cân nhắc kỹ càng, bạn lại bán tống bán tháo vì sợ sẽ mất nhiều tiền.
Phần lớn mọi người bị thúc đẩy bởi mong muốn kiếm tiền nhanh chóng. Bạn đầu tư mù quáng với hy vọng thu được lợi nhuận nhanh chóng từ khoản đầu tư của mình. Bạn nghĩ rằng có thể chốt lời hiệu quả và trở nên giàu có trong phút chốc. Hãy nhớ rằng người chuyên gia tài chính đó không phải là cố vấn của cá nhân bạn. Họ không biết về mục tiêu và ưu tiên đầu tư của bạn.
Bạn có phải là nhà đầu tư cảm xúc?
Kiểm tra cảm xúc có ảnh hưởng đến quyết định đầu tư hay không bằng cách suy nghĩ xem bạn sẽ phản ứng thế nào trong những tình huống sau.
Một người bạn đáng tin cậy nói với bạn rằng họ có cơ hội tuyệt vời để nhân đôi tài khoản – nhưng bạn phải giao dịch ngay. Một nhà đầu tư theo cảm xúc có thể bị cuốn vào khoảnh khắc phấn khích và mua cổ phiếu ngay lập tức. Hoặc họ có thể khó từ chối bạn mình và tự thuyết phục bản thân nên nghe theo. Trên thực tế, cách tốt nhất là không nên đưa ra câu trả lời ngay lập tức. Hãy nói với bạn bè rằng bạn cần thời gian để suy nghĩ kỹ lưỡng và nghiên cứu thêm. Và nhớ rằng “miếng ngon” rất khó từ trên trời rơi xuống.
Trong thời kỳ thị trường biến động và lãi suất tăng cao, bạn bắt đầu lo lắng về tương lai và cân nhắc việc bán tháo. Kiểu giao dịch theo cảm xúc này là nguyên nhân khiến rất nhiều người mua đỉnh bán đáy. Một trong những chìa khóa để trụ vững ở thị trường là luôn theo dõi và “rót vốn” từ từ, đều đặn, định trước. Các nhà đầu tư được khuyến khích thiết lập chiến lược và giữ nguyên trừ khi lý do mua cổ phiếu đã thay đổi.
Hàng xóm của bạn kiếm được hàng trăm triệu đồng từ thị trường chứng khoán và bạn quyết tâm làm điều tương tự. Đối với những nhà đầu tư bị cuốn vào sự so sánh, có thể dễ dàng mất nhiều năm để tìm kiếm và đầu tư vào điều lớn lao tiếp theo. Thay vì cố gắng đạt được một khoản lợi nhuận lớn thông qua một công ty hoặc ngành cụ thể, hãy lựa chọn đa dạng hóa danh mục đầu tư hiệu quả. Trong chu kỳ thị trường bình thường, việc sử dụng chiến lược đa dạng giúp quản trị rủi ro tốt hơn. Tổn thất trong một số khoản đầu tư sẽ được bù đắp bằng lợi nhuận ở những khoản khác.
Cách quản lý đầu tư cảm xúc
Vậy làm thế nào để bạn tránh mắc phải sai lầm khi đầu tư theo cảm xúc? Những lời khuyên này có thể giúp bạn kiểm soát đầu tư. Bạn nên có cái nhìn rộng hơn về danh mục đầu tư, dẫn con đường hướng tới một tương lai tài chính cân bằng hơn.
1. Ưu tiên các mục tiêu của bạn
Thay vì đầu tư theo cảm xúc, hãy ghi nhớ các mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn của bạn khi đưa ra quyết định đầu tư. Sau khi sắp xếp từng mục tiêu, bạn sẽ biết đâu là khoản nên phân bổ rủi ro nhiều hơn và nên giữ ở mức an toàn.
Chẳng hạn, trong mục tiêu dài hạn cho hưu trí, nếu bạn còn trẻ, đầu tư rủi ro hơn có thể sẽ hiệu quả. Bởi vì bạn có thời gian để chờ đợi thị trường phục hồi nếu bị thua lỗ. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của bạn là ngắn hạn, giữ khoản đầu tư ở mức rủi ro thấp hơn là điều nên làm.
2. Đầu tư thường xuyên
Hãy xem xét một chiến lược thông thường là trung bình hóa chi phí đầu tư, hay còn gọi là Dollar–Cost Averaging – DCA. bạn sẽ đầu tư một số tiền cố định theo một lịch trình đã lên sẵn. Nó cho phép bạn đầu tư với số vốn ban đầu nhỏ và tích lũy dần dần trong quá trình dài hạn. Như vậy giá của cổ phiếu sẽ được tính theo trung bình hàng tháng và tránh được việc mua với giá quá cao.
Điều quan trọng cần lưu ý là việc trung bình hóa chi phí đầu tư không đảm bảo rằng bạn sẽ trả ít hơn cho khoản đầu tư của mình so với mua một lần. Bên cạnh đó, đầu tư theo lịch trình đều đặn sẽ giúp phát triển thói quen tiết kiệm tiền. Nó giúp bạn kiểm soát cảm xúc tốt hơn và tránh bị rơi vào bẫy tham lam hay nỗi lo lắng thị trường đi xuống.
3. Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Đây cũng là một cách hiệu quả để khắc phục tình trạng đầu tư theo cảm xúc. Đa dạng hóa danh mục đầu tư của bạn là một thông lệ tiêu chuẩn giúp giảm tác động của sự biến động của thị trường. Ngoài ra, nó cho phép bạn tập trung vào các mục tiêu đầu tư dài hạn của mình.