Thực tế, bạn có thể làm cả 2 cùng lúc. Tuy nhiên, nếu cần ưu tiên giữa tiết kiệm tiền hay trả nợ, đây là lời khuyên cho bạn.
Khi đang mắc nợ, hầu hết mọi người chỉ “chăm chăm” để trả hết nợ nhanh nhất có thể. Họ cho rằng như vậy sẽ giúp thoát khỏi các áp lực tài chính, bàn đạp để tiết kiệm nhiều hơn trong tương lai. Tuy nhiên, khó có câu trả lời chính xác là nên tiết kiệm tiền hay trả nợ trước. Điều này vẫn còn phụ thuộc vào hoàn cảnh cũng như mục tiêu tài chính của từng cá nhân.
Quy tắc về tiết kiệm tiền hay trả nợ trước
Nguyên tắc chung là làm đồng thời cả 2 điều này: Trả hết nợ trong khi xây dựng khoản tiết kiệm khẩn cấp của bạn. Chẳng hạn, bạn chờ đợi để trả hết nợ trước khi tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp hoặc thậm chí là nghỉ hưu. Tuy nhiên, trong trường hợp tệ nhất, bạn có thể không xoay xở đủ để trả hết nợ. Và bạn cũng nhận ra rằng đã đến lúc nghỉ hưu và bạn hoàn toàn không chuẩn bị và có lẽ vẫn còn mắc nợ.
Chuyên gia tài chính gợi ý rằng nên tiết kiệm một khoản nhỏ để bắt đầu hình thành thói quen tích lũy. Sau đó, hãy tiếp tục nâng số tiền tích lũy hàng tháng lên để có một khoản tiết kiệm an toàn khi đã trả hết nợ.
Làm thế nào để quyết định nên ưu tiên tiết kiệm tiền hay trả nợ?
Không có giải pháp nào phù hợp với tất cả mọi người. Nhưng có một số câu hỏi bạn có thể đặt ra để giúp bản thân quyết định nên ưu tiên trả hết nợ hay gửi tiền mặt vào tài khoản tiết kiệm. Hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau đây:
1. Tình hình công việc như thế nào?
Nếu bạn không cảm thấy an tâm với công việc của mình, hãy ưu tiên tiết kiệm khẩn cấp. Trong trường hợp nếu bạn dành toàn bộ tiền để trả nợ, sau đó mất việc, bạn sẽ không có tiền xoay xở. Kể cả khi trả hết những khoản nợ trước đó, bạn vẫn sẽ phải sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn để trang trải chi phí hoạt hàng ngày, dẫn đến mắc nợ. Nếu có tiền tiết kiệm, nó sẽ giúp ngăn chặn việc sử dụng quá nhiều thẻ tín dụng trong trường hợp bị sa thải.
Khi có khoản tiền tiết kiệm trong quỹ khẩn cấp, bạn sẽ dễ thở hơn một chút khi tìm việc. Nếu không, bạn rất dễ chọn một công việc vì “cơm áo gạo tiền”. Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể chấp nhận công việc trả lương thấp hơn, không thật sự đam mê và yêu thích.
2. Bạn đã có bao nhiêu trong khoản tiết kiệm khẩn cấp?
Theo một số chuyên gia tài chính, để xác định số tiền cuối cùng bạn cần trong khoản tiết kiệm khẩn cấp, có một nguyên tắc chung là nên tích lũy ít nhất 6 tháng chi phí sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn, mỗi tháng bạn chi 10 triệu đồng cho những nhu cầu bắt buộc, vậy bạn cần tối thiểu 60 triệu trong quỹ khẩn cấp.
Nếu bạn vẫn chưa có quỹ khẩn cấp, hay tiền tiết kiệm được đặt trong những tài khoản khác, bạn nên xem lại kế hoạch tài chính cá nhân. Giảm các khoản đóng góp hàng tháng chẳng hạn như đầu tư, chi phí cho mong muốn để tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp.
Trong trường hợp đã có một quỹ khẩn cấp an toàn, bạn hãy tập trung trả nợ để tránh những khoản lãi có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính cá nhân.
3. Bạn có cần các khoản tiết kiệm khác không?
Các chi phí dự kiến đôi khi rất khó để lên kế hoạch. Ví dụ, có thể bạn sẽ cần mua một chiếc ô tô trong vòng 5 đến 10 năm tới. Nhưng nếu bây giờ không tiết kiệm để mua chiếc ô tô đó, bạn sẽ phải phó mặc cho các khoản vay ngân hàng với mức lãi suất khá cao.
Các chi phí “dự kiến” khác có thể bao gồm các thiết bị gia dụng hoặc sửa chữa nhà cửa. Thay vì phải vay tiền cho những thứ đó, bạn sẽ cần có một khoản tiết kiệm cho những chi phí này song song với việc trả nợ.
4. Bạn có loại nợ nào?
Một số khoản nợ có lãi suất cao khủng khiếp. Nếu có bất kỳ khoản nợ nào trong số này, bạn sẽ cần trả nợ càng nhanh càng tốt. Có lẽ trong trường hợp này, bạn nên giảm số tiền đóng góp vào quỹ khẩn cấp hàng tháng xuống 30-40% để nhanh chóng trả nợ. Bởi vì khoản lãi mà bạn đang phải gánh vác có thể sẽ bào mòn toàn bộ khoản tiền tích lũy nếu không có kế hoạch trả nợ nhanh chóng và cụ thể.
Mặt khác, các khoản nợ lãi suất thấp khác, chẳng hạn như thế chấp, trả góp, vẫn phải trả thường xuyên, nhưng chúng có thể không quá cấp bách nếu bạn cần xây dựng quỹ khẩn cấp. Tuy nhiên, nếu đang chậm thanh toán nợ thẻ tín dụng, khoản trả góp nhà hoặc xe hơi, hãy bù đắp những khoản đó trước khi xây dựng quỹ khẩn cấp. Một số khoản vay chưa thanh toán có thể khiến bạn không thể tiếp cận được công việc yêu thích và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống.
5. Bạn có đang mong đợi một vận may tiềm tàng không?
Nếu bạn nhận được khoản tiền bất ngờ từ thành viên gia đình hoặc chủ lao động, hãy chi tiêu một cách khôn ngoan. Chuyên gia tài chính đề xuất công thức về cách sử dụng số tiền may mắn đó nếu bạn đã có sẵn một số tiền tiết kiệm:
- 30% cho các nhu cầu— ví dụ, thay thế các thiết bị bị hỏng hoặc sửa xe để tránh mắc nợ trong tương lai
- 25% trả nợ
- 20% tiết kiệm
- 15% đầu tư dài hạn
- 10% chi tiêu vui vẻ
Tuy nhiên, nếu bạn không có quỹ khẩn cấp, hãy xem xét công thức sau:
- 35% cho khoản tiết kiệm khẩn cấp
- 30% cho nhu cầu
- 25% để trả nợ
- 10% cho niềm vui