Chuẩn bị một số tiền tiết kiệm trước kết hôn sẽ giúp bạn kiểm soát được tình hình tài chính và có một cuộc sống hôn nhân tốt đẹp hơn.
Kết hôn là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Nó cũng có thể là một trong những lựa chọn tài chính quan trọng nhất mà bạn cần cân nhắc kỹ càng. Trên thực tế, đối với nhiều người trẻ bây giờ, sự không chắc chắn về tài chính thường được coi là “rào cản” khi nói đến hôn nhân.
Khi kết hôn, bạn sẽ có rất nhiều chi phí cần phải chi trả và những tình huống tài chính cần sự chuẩn bị kỹ càng để đối mặt. Đây là lý do tại sao việc có chiến lược tích lũy và có sẵn một khoản tiết kiệm trước kết hôn rất cần thiết.
Số tiền cụ thể bạn cần tiết kiệm trước kết hôn
Độ tuổi kết hôn ngày nay đã cao hơn thế hệ trước rất nhiều. Theo Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê, năm 2022 độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của thành phố Hồ Chí Minh là 29,8 tuổi. Trong khi đó, độ tuổi trung bình của Việt Nam là 26,9 tuổi.
Nếu kết hôn ở độ tuổi 30, bạn sẽ có khoảng 8 năm để chuẩn bị từ khi ra trường. Các chuyên gia cho biết nguyên tắc chung là đến thời điểm đó bạn phải có khoản tiết kiệm tương đương với mức lương hàng năm của mình . Ví dụ, nếu bạn kiếm được 200 triệu/năm, bạn nên đặt mục tiêu tích lũy được 200 triệu đồng.
Số tiền đó bao gồm mọi khoản đóng góp vào tài khoản hưu trí, sổ tiết kiệm trong ngân hàng hoặc tiền bạn đã đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ. Dưới đây là hướng dẫn về số tiền bạn nên tiết kiệm ở các độ tuổi khác nhau:
Tuổi 20: Đặt mục tiêu tiết kiệm 25% tổng lương hàng năm
Tuổi 30: Tiết kiệm được số tiền tương đương với mức lương hàng năm
Tuổi 35: Tiết kiệm gấp đôi mức lương hàng năm
Tuổi 40: Tiết kiệm gấp 3 lần mức lương hàng năm
Trước 45 tuổi: Tiết kiệm được gấp 4 lần mức lương hàng năm
Đây là một quy tắc chung cho việc tiết kiệm trước kết hôn. Tuy nhiên, hoàn cảnh cá nhân của mỗi người sẽ khác nhau. Con số này sẽ thay đổi tùy thuộc vào việc bạn có nợ nần hay có các trách nhiệm gia đình không.
Lời khuyên tài chính cho các cặp vợ chồng
Trước khi kết hôn, bạn nên thảo luận về một số vấn đề tài chính quan trọng. Chẳng hạn, bạn muốn chi bao nhiêu cho đám cưới và liệu bạn có muốn mua nhà ngay hay không. Tùy thuộc vào những chi phí trước mắt này, bạn có thể quyết định muốn tiết kiệm nhiều hoặc ít hơn.
Bạn cũng cần thảo luận về cách cả 2 sẽ chi tiêu sau khi kết hôn. Bạn muốn có một tài khoản ngân hàng chung hay muốn tách chúng ra? Các bạn sẽ tiết kiệm như thế nào cho mục tiêu chung của nhau? Hai bạn sẽ cùng nhau đạt được những mục tiêu đó bằng cách nào?
1. Đảm bảo tài chính được sắp xếp hợp lý
Trước khi kết hôn, nhiều cặp đôi tránh thảo luận về tiền bạc. Song, bạn có thể gặp rắc rối vì những sai sót trong quá khứ có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ trong tương lai. Trước khi nói đặt bút ký giấy đăng ký kết hôn, hãy tìm hiểu hoàn cảnh tài chính của nhau. Nó bao gồm cả số thẻ tín dụng, cách bạn tiêu tiền đặc biệt là những khoản chi tùy ý. Bạn sẽ dễ dàng hơn trong quản lý tài chính sau khi kết hôn nếu hiểu rõ về cách chi tiêu và tình hình tài chính của nhau.
2. Thiết lập ngân sách tiết kiệm trước kết hôn
Đặt mọi thứ lên bàn cân, bao gồm tất cả hóa đơn chi tiêu và hóa đơn vay nợ của bạn. Xác định xem cuối cùng bạn sẽ nợ bao nhiêu mỗi tháng, tổng cộng bạn có bao nhiêu tiền và số tiền còn lại sau khi chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu.
Đừng quên tính đến bất kỳ chi phí nào cho tuần trăng mật hoặc đám cưới trong tương lai. Biết tiền của bạn sẽ đi đâu cũng rất quan trọng trong việc lập ngân sách vì nó giúp bạn đặt ra giới hạn chi tiêu. Hãy đặt ra giới hạn số tiền mỗi người có thể chi tiêu mà không cần hỏi ý kiến người kia trước.
3. Thành lập quỹ khẩn cấp
Bạn phải sắp xếp lại tình hình tài chính của mình trước khi cân nhắc việc kết hôn. Bởi vì kết hôn chỉ là khởi đầu cho một cơn sóng thần các hóa đơn bao gồm cả tiền đám cưới, nhà cửa, con cái,… Hãy lập một quỹ khẩn cấp ngay hôm nay để bạn không phải lo lắng sau này. Một số chuyên ra gia khuyên rằng nên dành ra khoản chi tiêu từ 6 đến 9 tháng cho quỹ này.
Cố gắng tiết kiệm trước kết hôn ít nhất 3 tháng chi phí cho quỹ khẩn cấp. Bên cạnh đó, hãy đảm bảo rằng bạn đang nỗ lực sở hữu quỹ khẩn cấp 6-9 tháng sau kết hôn.
4. Tiết kiệm trước kết hôn cho đám cưới và các chi phí bổ sung
Mở một tài khoản tiết kiệm ngay khi bạn quyết định tổ chức đám cưới. Nhìn chung, nhiều chuyên gia tài chính khuyên bạn nên dành ít nhất 10% tổng thu nhập hàng tháng của mình.
Nếu đang tiết kiệm cho đám cưới, bạn có thể nghĩ đến việc tăng số tiền đó để có thể tiếp tục đóng góp tiết kiệm thường xuyên nhưng vẫn để dành tiền cho ngày trọng đại. Có thể bạn vẫn muốn tiết kiệm một số tiền, có thể là cho tuần trăng mật hoặc tiền đặt cọc mua nhà mới, ngay cả khi bạn sẽ được trợ giúp chi trả cho đám cưới.
5. Cân nhắc việc thảo luận tài chính nghiêm túc
Không cần phải đợi mọi chuyện xảy ra mới nói chuyện về tiền bạc; nó phải là một cuộc thảo luận lành mạnh và liên tục. Hãy dành ra một khoảng thời gian mỗi tháng để thảo luận về các quyết định tài chính trong tương lai. Giao các nhiệm vụ mới liên quan đến tiền bạc và đánh giá tiến độ đạt được các mục tiêu của bạn với tư cách là một cặp vợ chồng.